Trong 11 tháng đầu năm 2019, có 80.874 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 18,8% so với cùng kỳ 2018), bao gồm: 27.824 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 7,1%), 38.077 doanh nghiệp chờ giải thể (tăng 39,8%), 14.973 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 0,8%). Trung bình mỗi tháng có 7.352 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
a) Tình hình doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn
Trong 11 tháng đầu năm 2019, cả nước có 27.824 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là những doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh dưới 01 năm với cơ quan đăng ký kinh doanh, sau khi kết thúc thời gian tạm ngừng có thể sẽ quay trở lại hoạt động kinh doanh.
Trong 11 tháng đầu năm 2019, có 4 ngành kinh doanh chính có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là: Kinh doanh bất động sản (586 doanh nghiệp, tăng 43,6%), Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (260 doanh nghiệp, tăng 27,5%), Sản xuất, phân phối điện, nước, gas (161 doanh nghiệp, tăng 24,8%), Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.454 doanh nghiệp, tăng 15,5%).
Phân theo địa bàn, Đồng bằng Sông Hồng có số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất với 9.872 doanh nghiệp (chiếm 35,5% cả nước), tăng 9,8%; tiếp đến là Đông Nam Bộ với 9.315 doanh nghiệp (chiếm 33,5%), tăng 9,3%; Tây Nguyên là khu vực duy nhất có số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh giảm so với cùng kỳ 2018 với 858 doanh nghiệp (chiếm 3,1%), giảm 2,2%.
b) Tình hình doanh nghiệp chờ giải thể
Trong 11 tháng đầu năm 2019, số doanh nghiệp chờ giải thể là 38.077 doanh nghiệp, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 15.755 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; 12.522 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 9.800 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.
Các ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 13.910 doanh nghiệp, chiếm 36,5%; Xây dựng có 5.321 doanh nghiệp, chiếm 14,0%; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 4.754 doanh nghiệp, chiếm 12,5%.
Đồng bằng Sông Hồng là khu vực có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất với 12.512 doanh nghiệp, chiếm 32,9%; tiếp đến là khu vực Đông Nam Bộ có 12.082 doanh nghiệp, chiếm 31,7%.
c) Tình hình doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 11 tháng đầu năm 2019 là 14.973 doanh nghiệp, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Có 05 ngành có số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm là: Khai khoáng có 99 doanh nghiệp, giảm 64,0%; Công nghiệp chế biến chế tạo có 1.610 doanh nghiệp, giảm 21,0%; Xây dựng có 1.433 doanh nghiệp, giảm 15,8%; Vận tải kho bãi có 615 doanh nghiệp, giảm 6,8% và Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có 337 doanh nghiệp, giảm 5,3%.
Các ngành có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhanh nhất là: Kinh doanh bất động sản có 603 doanh nghiệp, tăng 38,0%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 86 doanh nghiệp, tăng 36,5% và Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 182 doanh nghiệp, tăng 26,4%.
Phân theo vùng lãnh thổ, ba vùng có số lượng doanh nghiệp giải thể giảm là: Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (2.146 doanh nghiệp, giảm 48,8%), Trung du và miền núi phía Bắc (792 doanh nghiệp, giảm 11,9%) và Tây nguyên (466 doanh nghiệp (giảm 4,7%).
Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất với 5.721 doanh nghiệp (chiếm 38,1% cả nước), tăng 21,7%. Đồng bằng Sông Hồng có 3.016 doanh nghiệp giải thể (chiếm 20,1%), tăng 7,6%. Đồng bằng Sông Cửu Long có sự gia tăng đột biến về số lượng doanh nghiệp giải thể với 2.832 doanh nghiệp (chiếm 19,0%), tăng 58,9%.
Trên đây là một số thông tin về tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường, với việc thống kê các số liệu như vậy, hi vọng sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thị trường.